Vậy theo quan điểm của đạo Phật, Tết Nguyên Đán có ý nghĩa như thế nào? Chùa Ba Vàng xin gửi tới quý độc giả bài viết dưới đây qua lời chia sẻ trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.
Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán hay còn được gọi là Tết cổ truyền; đây là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người dân Việt Nam. Về định nghĩa ba chữ Tết Nguyên Đán, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Tết” là nghĩa của chữ “Tiết”, “Nguyên” là cái khởi đầu, cái nguyên sơ, cái ban đầu, “Đán” nghĩa là buổi sáng sớm. “Tết Nguyên Đán” là tiết khởi đầu, buổi sáng sớm khởi đầu và ngày mùng Một, tháng Giêng được nhân dân ta lấy là ngày đầu năm mới”.
Tết Nguyên Đán trở thành một truyền thống văn hóa thấm nhuần trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam
Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán theo quan điểm Phật giáo
#1 Dịp gia đình sum họp, cúng lễ tiên tổ
Khi những bông hoa đào, hoa mai đã đến ngày rộ sắc khoe hương, cũng là lúc lòng người chợt dâng lên niềm mong mỏi chờ đón năm mới với bao ước vọng. Bởi Tết về như mang đến sự hòa hợp, sum vầy, gắn kết như lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Tết Nguyên Đán là dịp gia đình đoàn tụ, con cháu trở về cúng lễ tổ tiên, rồi sum họp, quây quần cùng ông bà, cha mẹ sau một năm làm việc vất vả, bôn ba đây đó để kiếm kế sinh nhai. Vì thế, Tết đã trở thành một ngày lễ tâm linh quan trọng trong đời sống dân tộc Việt Nam. Có thể nói, Tết đã thấm vào trong hồn người dân Việt Nam. Bản thân Thầy cũng vậy, đến giờ Thầy vẫn nhớ và vẫn rất ấn tượng về ngày Tết tuổi thơ”.
Nhớ về hương vị ký ức ngày Tết, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh kể lại: Hồi ấy nhà Thầy nghèo lắm, quanh năm mặc bộ quần áo bích kê chằng đụp ở mông, ở đùi. Chỉ đến Tết, đúng đêm giao thừa mới được diện bộ quần áo mới. Rồi Tết đến mới được thưởng thức bánh chưng. Những hình ảnh ấy tuy giản dị nhưng cảm thức về mỗi mùa Tết đến trở thành một dấu ấn rất sâu đậm trong tâm khảm của Sư Phụ.